Thứ sáu, 19-04-2024 8:36 AM

Nắng như đổ lửa, Hà Tĩnh thường trực 24/24h phòng chống cháy rừng

Baohatinh.vn) - Các địa phương, chủ rừng tại Hà Tĩnh đang cảnh giác cao độ trước nguy cơ cháy rừng do nắng nóng trên 40 độ C, kéo dài liên tục trong nhiều ngày qua.

Nắng như đổ lửa, Hà Tĩnh thường trực 24/24h phòng chống cháy rừngLực lượng Kiểm Lâm Hồng Lĩnh tăng cường biện pháp bảo vệ, giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra

Liên tục trong nhiều ngày qua, công sở các cơ quan, đơn vị kiểm lâm tại Hà Tĩnh vắng hoe, bởi tất cả CBVC đang tập trung về cơ sở để lo phòng, chống cháy rừng, trước thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gần tuần nay.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn vừa cùng đoàn đi kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) ở huyện Hương Khê về, cho biết: Hiện toàn tỉnh có trên 120.000 ha rừng trọng điểm dễ cháy, trải đều trên địa bàn các huyện, thị xã. Do chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió phơn Tây Nam (gió Lào), nhiệt độ bình quân cao 39-42 độ C, diện tích rừng trên có nguy cơ cháy và cháy lớn rất dễ xẩy ra. Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh, Sở NN&PTNT chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ động triển khai sớm, đồng bộ các biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác PCCCR trên địa bàn.

Cũng theo ông Huấn, đến nay, 12/12 huyện, thị xã, 20/20 chủ rừng, 152/152 xã và trên 14.000 chủ rừng hộ gia đình đã và đang triển khai đúng theo phương án PCCCR đã được phê duyệt. “Đây là một trong những điểm mới theo quy định tại Nghị đinh số 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Lâm nghiệp”, ông Huấn cho biết thêm.

Các huyện trọng điểm như: Hương Khê, Hương Sơn, Kỳ Anh, Vũ Quang những ngày nắng nóng quay quắt này, điều làm chúng tôi khá yên tâm là các cấp, các ngành, các xã, chủ rừng và người dân đều tập trung cao cho công tác PCCCR.

Nắng như đổ lửa, Hà Tĩnh thường trực 24/24h phòng chống cháy rừngNhững ngày nắng nóng này, tại các chòi canh lửa rừng trên địa bàn trọng điểm luôn có lực lượng trực gác 24/24.

Hệ thống công trình PCCCR, các trang thiết bị dụng cụ, phương tiện đã được đầu tư tu sửa, xây dựng, mua sắm phục vụ PCCCR; tổ chức phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật lâm nghiệp gắn với tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa; chủ động sẵn sàng “4 tại chỗ”; duy trì chế độ trực ban, sẵn sàng lực lượng thường trực 24/24h để phát hiện, dập tắt kịp thời điểm phát lửa.

Trưởng Ban Quản lý Rừng phòng hộ Nam Hà Tĩnh Nguyễn Ngọc Lâm cho hay: Ngoài việc củng cố, thành lập các tổ, đội bảo vệ rừng (BVR), PCCCR, đơn vị còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức hàng chục buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề, ký cam kết với học sinh các trường học và người dân trên địa bàn về công tác PCCCR... Thời điểm này, tại văn phòng đơn vị gần như... trống. Tất cả cán bộ, nhân viên đều được bố trí, phân công trực, tuần tra, canh gác tại các địa bàn trọng điểm...

Nguy cơ cháy rừng, thậm chí cháy lớn là rất cao, nếu các cấp, các ngành, chủ rừng trong tỉnh không sớm khắc phục những hạn chế. Đó là, ở một số địa phương, nhất là cấp xã công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCCR chưa được thường xuyên, liên tục; ý thức của một số người dân trong PCCCR còn hạn chế, một số nơi vẫn còn tình trạng xử lý thực bì bằng lửa trong mùa nắng nóng; hiện tượng hiềm khích cá nhân cố tình đốt rừng của nhau vẫn còn ...

Việc đầu tư kinh phí cho công tác PCCCR các cấp hàng năm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nguyên nhân chính là do chính quyền các cấp gần như phó mặc chuyện kinh phí cho chủ rừng, từ đó, hệ thống các công trình PCCCR, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR còn thiếu, lạc hậu...

Nắng như đổ lửa, Hà Tĩnh thường trực 24/24h phòng chống cháy rừngĐoàn viên thanh niên huyện Kỳ Anh tham gia diễn tập chữa cháy rừng.

Nói về vấn đề này, Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh Hoàng Quốc Huấn đề nghị UBND tỉnh, UBND các huyện, các xã xem xét, hỗ trợ kinh phí (ngân sách 3 cấp) để mua sắm trang thiết bị, dụng cụ, xây dựng công trình PCCCR (đường băng cản lửa; thu gom, giảm vật liệu cháy), phục vụ trên địa bàn.

Một hạn chế khác là, sau các vụ cháy rừng, việc tổ chức điều tra, xác minh nguyên nhân, đối tượng gây cháy để xử lý nghiêm theo pháp luật chưa kịp thời, hiệu quả, nên tính răn đe, giáo dục không cao.

Được biết, từ đầu mùa nắng nóng 2019 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 4 điểm phát lửa (Hương Sơn 2 điểm, Cẩm Xuyên 1 điểm, Hương Khê 1 điểm). Trong đó, có 1 điểm gây cháy rừng, diện tích thiệt hại 0,56ha rừng sản xuất của hộ gia đình tại xã Sơn Long, huyện Hương Sơn.

(nguồn baohatinh.vn)

 

Thống kê website

Lượt truy cập: 234635

Đang online: 6

Ngày hôm qua: 193