Thứ bảy, 20-04-2024 7:49 AM

KIỂM TRA, ĐỒN ĐỐC, TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY RỪNG TẠI CÁC TỈNH PHÍA BẮC

     Hiện nay, các tỉnh, thành phố Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định và Thái Bình đang trong thời kỳ cao điểm cháy rừng, nhiều ngày dự báo cháy rừng cấp IV, cấp V. Để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng và thực hiện Chương trình số 47/Ctr-KL-VP ngày 03/02/2021, của Cục Kiểm lâm về công tác năm 2021, Chi cục Kiểm lâm vùng II kiểm tra, đôn đốc, tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy rừng tại các tỉnh phía Bắc.

Chi cục Kiểm lâm vùng II làm việc với Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình về công tác QLBVR, PCCCR

     Qua kiểm tra cho thấy Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành phố chủ động tham mưu giúp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh ban hành các chỉ thị, công điện, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công PCCCR. Ngoài ra, Chi cục ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai, tham mưu tốt cho UBND cấp huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác PCCCR. Đến nay, Chi cục Kiểm lâm các tỉnh được kiểm tra đã tham mưu ban hành 56 văn bản và ban hành 24 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác PCCCR. Các nội dung trên đều được Chi cục Kiểm lâm các tỉnh bám sát với nội dung của các văn bản chỉ đạo điều hành của cấp trên. Các chủ rừng thực hiện tốt điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu rừng, đã ban hành nội quy về phòng cháy rừng; biển báo, biển cấm lửa được làm mới, tu sửa; lực lượng chữa cháy rừng được huấn luyện, sẵn sàng cơ động khi có cháy rừng xảy ra.

     Chi cục Kiểm lâm các tỉnh, thành các đơn vị trực thuộc và các chủ rừng, duy trì trực phòng cháy chữa cháy rừng theo cấp dự báo cháy rừng, chế độ trực 24/24 giờ trong suốt mùa khô hanh để kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực có nguy cơ cháy rừng cao, kịp thời cung cấp thông tin về tình hình các đám cháy để có phương án huy động lực lượng chữa cháy; thực hiện bảo dưỡng tốt các phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng; thường trực sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị chữa cháy rừng vào thời gian cao điểm cháy rừng theo quy định để kịp thời triển khai lưc lượng khi có cháy rừng xảy ra. Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc chế độ thường trực công tác PCCCR, lập sổ theo dõi tình hình cháy rừng trên địa bàn quản lý, có hồ sơ quản lý cháy rừng. Tuy nhiên, một vài đơn vị hồ sơ chưa đầy đủ theo quy định hiện hành và một số tồn tại hạn chế sau:

     Công tác tham mưu, hướng dẫn xây dựng phương án PCCCR còn chậm, đặc biệt là phương án PCCCR của cộng đồng dân cư, hộ gia đình cá nhân. Một số phương án của UBND cấp xã chưa gửi cơ quan chức năng tham gia ý kiến; phương án PCCCR đúng theo quy định tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, tuy nhiên còn mang tính hình thức, chưa sát đúng với tình hình thực tế của địa phương.

     Hiện nay, một số chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư ở các địa phương đang gặp khó khăn trong việc xây dựng phương án PCCCR theo Mẫu số 01 Phụ lục III kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Vì không quy định diện tích tối thiểu nên có những hộ gia đình, cá nhân có diện tích rừng rất nhỏ, chỉ từ 0,1 - 0,5ha.

Nghị định số 156/2018/NĐ-CP bãi bỏ Nghị định 05/2008/NĐ-CP về Quỹ bảo vệ phát triển rừng (có quy định về thành lập quỹ Bảo vệ rừng cấp xã) nhưng không quy định về thành lập quỹ Bảo vệ rừng cấp xã, làm cho công tác bảo vệ rừng cấp xã ảnh hưởng lớn, đặc biệt là huy động người và phương tiện tham gia bảo vệ rừng, PCCCR.

Hệ thống các công trình BVR, PCCCR (đường băng cản lửa, xử lý thực bì giảm vật liệu cháy,…) đã được các chủ rừng, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, tu sửa, tuy nhiên việc đầu tư xây dựng, tu sửa còn hạn chế nên khi xảy ra cháy rừng rất khó kiểm soát, gây cháy lan. Hệ thống chòi canh lửa hầu hết đã xuống cấp, các chòi canh lửa cố định của các đơn vị chủ rừng được đầu tư xây dựng và sử dụng trong thời gian dài.

Đầu tư phương tiện, trang thiết bị cho công tác PCCCR chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, thiếu phương tiện vận chuyển lực lượng chữa cháy, phần lớn sử dụng xe máy cá nhân, sử dụng biện pháp thủ công để chữa cháy rừng; hệ thống bảng tuyên truyền, biển cấm lửa tại các khu rừng thông dễ cháy còn thiếu; một số bảng tuyên truyền đã cũ, mờ chưa có kinh phí tu sửa.

Công tác công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCCR của một số chính quyền địa phương (đặc biệt cấp xã), chủ rừng thực hiện chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao nên ý thức, trách nhiệm của một bộ phận người dân PCCCR còn hạn chế. Do đó, tình trạng đốt lửa, xử lý thực bì trái quy định trong những ngày nắng nóng cao điểm cháy rừng vẫn xảy ra. Đây là những nguyên nhân chính dẫn đến cháy rừng trong mùa khô.

Chi cục Kiểm lâm vùng II phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nam kiểm tra công trình PCCCR của chủ rừng (tại huyện Kim Bảng)

Sự phối hợp giữa chủ rừng với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương một số nơi chưa thực sự thường xuyên, có lúc trách nhiệm chưa cao; công tác phối hợp điều tra nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng để xử lý còn hạn chế; việc kiểm tra, xử lý trách nhiệm của chủ rừng không thực hiện các quy định của pháp luật về PCCCR còn hạn chế.

Chi cục Kiểm lâm vùng II phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Hà Nội kiểm tra công trình PCCCR của chủ rừng (Khu di tích lịch sử K 9)

Chi cục Kiểm lâm vùng II phối hợp với Chi cục Kiểm lâm Nam Định kiểm tra công trình PCCCR của chủ rừng (tại huyện Vụ Bản)

 Sau quá trình làm việc với Chi cục Kiểm lâm các tỉnh và phối hợp kiểm tra một số đơn vị chủ rừng, Chi cục Kiểm lâm vùng II đã đề nghị Chi cục Kiểm lâm các tỉnh tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ:

Tổ chức thực hiện tốt phương án PCCCR đã được phê duyệt, tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc cơ sở, với tinh thần phòng cháy là chính, chữa cháy kịp thời, hiệu quả; theo phương châm 4 tại chỗ. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 481/CĐ-TTg ngày 26/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; Công điện số 776/CĐ-TTg ngày 29/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR; Chỉ thị số 1299/CĐ-BNN-TCLN ngày 21/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách PCCCR;

Hướng dẫn chủ rừng rà soát và hoàn thiện lại toàn bộ các phương án PCCCR theo mẫu và thực hiện đúng các quy định về PCCCR tại Nghị định số 156/2018/NĐ-CP;

Trong thời kỳ cao điểm, nguy cơ cháy cao phải tổ chức lực lượng thường trực 24/24h canh phòng lửa rừng, phát hiện sớm điểm cháy để chữa cháy kịp thời. Thường xuyên tuần tra canh gác lửa rừng tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, kịp thời dập tắt các điểm phát lửa; hạn chế người và phương tiện không phân sự vào rừng; chủ động xử lý thực bì, đốt trước có kiểm soát, làm giảm vật liệu cháy ở các khu rừng có nguy cơ dễ cháy và đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người, tài nguyên rừng; tu sửa đường băng cản lửa, các công trình phòng cháy, chữa cháy tại các vùng có nguy cơ cháy cao;

Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng và người dân trên địa bàn chấp hành quy định PCCCR; không được sử dụng lửa để đốt dọn thực bì trong thời gian cấp IV, cấp V ở vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng;

Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng, phát hiện sớm cháy rừng trên hệ thống thông tin điện tử của Chi cục Kiểm lâm vùng II tại địa chỉ Website: kiemlamvung2.org.vn, Cục Kiểm lâm tại địa chỉ Website: kiemlam.org.vn. Thực hiện nghiêm túc chế độ thông báo, báo cáo khi xảy ra cháy rừng theo quy định./.

(Tin, ảnh: Phòng Nghiệp vụ II, Vũ Hữu Chinh_Ngày 29/4/2021)

 

 

 

 

 

Thống kê website

Lượt truy cập: 234871

Đang online: 3

Ngày hôm qua: 277